‘Làm bò,’ nghề ‘lót đường’ của người Việt mới đến Mỹ
Và đa số người Việt làm nghề này như là một nghề “lót đường” cho sự hội nhập vào đời sống mới tại Hoa Kỳ trong 40 năm qua.
Những miếng bò trong phòng lạnh công ty Nebraska Beef chờ xả thịt. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
“Tôi chứng kiến cả ngàn người Việt Nam làm nghề này, một số vẫn còn làm, nhưng đa số không làm nữa, vì đây chỉ là một nghề ‘lót đường’ đối với họ khi mới đến Mỹ,” bà Ledita Rupp nói với nhật báo Người Việt. “Sau khi có một số tiền, họ đi theo nghề nào đó tùy theo ước mơ, trong 40 năm qua. Có người về miền Nam California mở nhà hàng, mở tiệm bán hàng, mở tiệm làm nail, có người đi chỗ khác kiếm tiền nhiều hơn, có người đi vì theo con cái đi làm ăn xa hoặc đi học đại học. Có nhiều hướng đi lắm!”
Bà Rupp là giám đốc Chương Trình Tái Ðịnh Cư Cộng Ðồng của dòng tu Dominican Sisters of Peace ở Garden City, Kansas, từ năm 1975 đến năm 2013.
Nhiệm vụ của bà Rupp trong 38 năm đó là giúp đỡ di dân mới đến Garden City, một thành phố chỉ có khoảng 25,000 người, tọa lạc ở phía Tây Nam tiểu bang Kansas, và là thành phố có xưởng chế biến thịt bò của công ty Iowa Beef Processors (IBP), sau này đổi tên thành Tyson Foods, một trong những công ty thịt bò lớn nhất Bắc Mỹ, có trụ sở chính ở Springdale, Arkansas.
Có một thời, Hội Cộng Ðồng Người Việt Orange County (VNCOC) có hợp đồng tuyển dụng người Việt đi làm ở các xưởng chế biến thịt bò cho công ty IBP.
“Chương trình hồi đó rất thành công,” bà Mai Công chia sẻ. “Hội cũng giúp được rất nhiều người, vì họ mới qua, còn khó khăn, rất cần việc làm.”
Bà Mai Công là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc VNCOC từ năm 1980 đến năm 2007.
Theo trang web của Tyson Foods, công ty có hơn 11,000 cơ sở chế biến thịt bò, heo, và gà ở 25 tiểu bang Hoa Kỳ, với doanh số $37.6 tỉ, trong năm 2014. Tổng số thịt của Tyson Foods chế biến tương đương 1/5 số thịt tại Hoa Kỳ.
Ðể biết có bao nhiêu người Việt Nam làm cho Tyson Foods là điều không dễ.
Ông Kim Nguyễn giải thích các bước làm thịt bò tại Nebraska Beef. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Ông Dan Fogleman, phát ngôn viên của công ty, nói với nhật báo Người Việt rằng: “Thật sự mà nói, chúng tôi có rất nhiều di dân gốc Châu Á làm việc và đóng góp cho công ty trong mấy chục năm qua. Tuy nhiên, chúng tôi không làm thống kê họ thuộc quốc gia nào trước khi đến Mỹ. Tôi biết có một thời, có nhiều người Việt Nam làm việc cho Tyson Foods, nhưng những nhân viên phụ trách tuyển dụng họ giờ đã nghỉ hưu, nên chúng tôi không biết gì hơn.”
Tuy nhiên, trong bài viết “Garden City: Tending To A Cultural Crossroads In Kansas” đăng trên trang mạng fronterasdesk.org hôm 5 Tháng Mười Một, 2013, tác giả Peggy Lowe trích lời ông Gary Mickelson, giám đốc đặc trách thông tin của Tyson Foods, nói rằng “đứng đầu trong số công nhân của công ty là người gốc Hispanic, thứ nhì là gốc Việt, và thứ ba là gốc Châu Phi.”
“Rất may cho các công ty chế biến thịt bò, trong thập niên 1980, tự nhiên có một làn sóng di dân gốc Châu Á ồ ạt đến Hoa Kỳ. Những ‘thuyền nhân’ này có mặt khắp nơi, và làm việc trong các xưởng thịt bò là một bước đệm cho họ hội nhập vào đời sống mới tại Mỹ, giống như tác giả Upton Sinclair viết trong cuốn ‘The Jungle’ xuất bản năm 1909,” hai tác giả Donald Stull và Michael Broadway viết như vậy, trong bài “Slaughterhouse Blues: The Meat and Poultry Industry in North America.”
“Ðã ‘làm bò’ rồi thì ‘chẳng sợ gì cả’”
Nghề ‘làm bò’ rất cực, vì thế, có thể nói, đã trải qua rồi, sau đó làm nghề gì cũng chẳng sợ.
“Ðã làm nghề này rồi, giờ qua nghề khác, chẳng ăn thua gì cả,” anh Phạm Công Minh, hiện cư ngụ tại Tomball, một thành phố nhỏ ở phía Tây Bắc ngoại ô Houston, Texas, nói.
Anh Minh từng làm cho IBP ở Emporia, Kansas, từ năm 1994 đến năm 2001.
Anh Phạm Công Minh và gia đình. Anh và vợ từng làm việc cho IBP ở Kansas, nay định cư tại Texas. (Hình: Phạm Công Minh Facebook)
Anh kể: “Lúc đó tôi và gia đình mới sang Manhattan, Kansas, chưa biết làm gì cả. Có hai ông anh họ đang ‘làm bò’ ở Emporia rủ xuống đi làm, vì họ nói công ty lúc nào cũng cần người. Thế là chúng tôi chuyển xuống, nộp đơn, vài ngày sau đi làm ngay.”
“Họ chẳng cần mình biết tiếng Anh nhiều. Chỉ cần có sức khỏe là họ nhận ngay,” anh chia sẻ. “Phải nói làm rất là cực, lúc nào cũng ở trong phòng lạnh, trên người mặc một áo lưới sắt, bên ngoài thêm áo blouse, vậy mà lúc nào cũng đổ mồ hôi như đi tắm.”
Anh kể thêm: “Tôi từng làm ruộng ở Việt Nam, thấy đã cực, nhưng so với ‘làm bò’ chẳng thấm vào đâu. Nghề này làm theo dây chuyền, mỗi dây chuyền chừng sáu người, mà một ca có từ bảy tới chín dây chuyền như vậy. Dây chuyền nào mà chậm, nhất là khi thiếu người, hoặc có ‘lính’ mới, chưa thạo việc, là thịt bị ứ ngay. Nói thật, lúc đầu vào làm, có khi nín đi tiểu luôn. Mỗi ca làm việc chỉ được hai lần nghỉ, 15 phút và 20 phút.”
Cả hai vợ chồng anh Minh trước đây đều làm cho IBP. Hiện nay làm thợ tiện ở Houston, còn vợ làm nghề kinh doanh, có nhà lớn, hai con cũng lớn, con gái sắp tốt nghiệp đại học University of Texas ở Austin, chuẩn bị học cao học, con trai sắp tốt nghiệp trung học và cũng vào trường của chị năm tới.
“Nhiều khi không muốn nhớ lại thời kỳ ‘làm bò,’ vì cực quá. Bây giờ làm thợ tiện, thỉnh thoảng thấy có người còn than. Riêng tôi, chẳng thấy ăn nhằm gì. Thế nhưng, đôi khi nghĩ lại, phải nói là nhờ ‘làm bò’ rồi, bây giờ làm mấy nghề khác, chẳng thấy cực gì cả, chẳng sợ gì cả,” anh Minh nói một cách tự tin.
Lương cao, nhưng vẫn nghèo
Theo tác giả Peggy Lowe, lương khởi điểm của một công nhân trong xưởng chế biến thịt bò của Tyson Foods ở Holcomb, Kansas, là $13.50/giờ, khá hơn lương $7/giờ ở Walmart.
Thế nhưng, với một người đi làm, có vợ và ba con, thu vào trung bình $27,000/năm, thì vẫn ở dưới mức nghèo một chút theo tiêu chuẩn liên bang.
Một số tên của công nhân người Việt trong công ty Nebraska Beef. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Tuy nhiên, tác giả Peggy Lowe, trích lời ông Gary Mickelson, cho biết, công nhân làm việc ở công ty được hứa hẹn có bảo hiểm sức khỏe, bao gồm răng và mắt, ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ trong năm, cộng với quỹ hưu bổng 401(k).
Nhà ở cũng là một vấn đề nan giải đối với người Việt đến làm thịt bò ở các thành phố nhỏ, vì không có đủ cho họ.
Trước đây, các công ty chế biến thịt bò lớn nhất Hoa Kỳ thường tập trung tại các thành phố lớn như Chicago và Kansas City, nhưng sau này, họ chuyển về các thành phố nhỏ xa xôi vùng đồng quê, theo tác giả Peggy Lowe. Thành ra, các cộng đồng này gặp rất nhiều khó khăn trong việc phục vụ làn sóng di dân ồ ạt đến, nhất là không đủ nhà cho họ thuê mướn để ở.
Gia đình anh Phạm Công Minh, có tổng cộng sáu người, phải sống trong một trailer thuộc một khu nhà gần xưởng làm thịt bò ở Emporia.
Soeur Janice Thome, cũng thuộc dòng tu Dominican Sisters of Peace ở Garden City, được trích lời nói rằng một trong những thách thức lớn nhất của bà trong việc giúp di dân hội nhập là nhà ở.
“Bà phải gõ cửa nhiều khu mobile home park và ngay cả các motel ở ngoại ô thành phố, tìm cho bằng được những khu nhà tọa lạc gần xưởng bò để công nhân có thể đi làm dễ dàng,” tác giả Peggy Lowe viết.
Không những nhà ở, con em thuộc các gia đình di dân làm trong lãnh vực chế biến thịt bò cũng không có đủ trường để đi học.
Tại Finney County, Kansas, bao gồm Garden City, số người xin “food stamp” tăng 230% trong năm năm, từ 2008 đến 2013, theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ.
Dù cực nhưng vẫn phải làm để giúp con cái ăn học
Dù cực nhọc và vất vả, nhiều người Việt Nam vẫn “trụ” lại trong nghề này khá lâu, vì họ muốn giúp con cái ăn học.
Ông Nguyễn Ðình Long, hiện cư ngụ ở Atlanta, Georgia, là một trong những người như thế.
Ông cho biết trước năm 1975 là trung úy Nhảy Dù, bị đi tù 5 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, rồi vượt biên năm 1982, ở trại Sikew, Thái Lan, rồi đến định cư tại Garden City năm 1984.
Chữ “P” là viết tắt của chữ “Prime,” phần thịt ngon nhất của con bò. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Nhờ có người cháu làm trong hãng bò IBP giới thiệu, ông vào làm chỉ hai tháng sau khi đến Mỹ.
Ông kể: “Lúc đó, mình còn khỏe mạnh, trai tráng, mà IBP là hãng lớn nhất ở Garden City, nên người cháu giới thiệu vào làm. Công việc rất khó khăn, mệt nhọc, nhất là mài dao rất khó bén. Có lúc, tôi đã tính đến chuyện nghỉ làm.
Nhưng nghĩ lại, mình từng đi tù 5 năm, ăn uống thiếu thốn, lao động không có thù lao, bây giờ sang Mỹ sống đầy đủ, có việc làm, được trả lương, tại sao phải đầu hàng?”
“Hơn nữa, tôi là lao động chính trong gia đình, nếu không đi làm, làm sao giúp con cái ăn học. Nghĩ đến con cái còn nhỏ dại, tôi tiếp tục làm cho đến năm 1991, thì định chuyển về Seattle, Washington. Nhưng khi đến đó, thấy cũng khó khăn quá, nên vẫn trụ lại ở Garden City,” ông Long kể tiếp.
Khi trở lại, ông Long ghi danh vào học đại học cộng đồng, học một số khóa học về cơ khí, rồi trở lại hãng IBP, nhưng lần này làm thợ máy, nhẹ nhàng hơn một chút.
Và cứ thế ông tiếp tục làm việc cho tới khi dành dụm được một số tiền, trong khi tuổi ngày càng cao. Thế là ông nghỉ, mở một bàn bi da “sống qua ngày.”
“Tuy Garden City là một thành phố nhỏ, nhưng lúc đó có nhiều người Việt Nam làm hãng bò, và họ chiếm tới 70% số nhân công. Thành ra, họ cũng cần có nơi giải trí,” ông Long kể.
Thế rồi, khi con cái trưởng thành và thành tài, chuyển đi nơi khác, ông Long, lúc này đã lớn tuổi, cũng phải đi theo.
Ông kể: “Con cái tôi lớn dần, một đứa thành bác sĩ thẩm mỹ, chuyển về Augusta, Georgia, làm việc và nó đưa cả gia đình về đó năm 2005. Ðến năm 2006 thì cả gia đình chuyển về sống ở Atlanta cho tới nay.”
Một kỷ niệm về nghề “làm bò” mà ông Long không bao giờ quên là thời tiết quá khắc nghiệt.
Ông kể, có một lần vào cuối năm, Garden City ngập đầy tuyết trong ba ngày, công nhân không về được nhà.
Các hộp thịt bò chuẩn bị đưa lên xe tải để chở đi phân phối tại các chợ. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
“Cả ngàn công nhân ở lại làm việc và ngủ trong xưởng ba ngày liền. Công ty phải lo thực phẩm, ăn hết cả pancake, đến nỗi công ty phải lấy thịt bò cho chúng tôi ăn. Cho tới nay, mỗi lần thấy pancake tôi vẫn còn sợ,” vị cựu sĩ quan QLVNCH kể.
Tuyển người đi ‘làm bò’
VNCOC là một trong những tổ chức bất vụ lợi lâu đời nhất của cộng đồng người Việt tại miền Nam California, chuyên giúp đỡ đồng hương Việt Nam trong mọi vấn đề, trong đó có cả lo tìm việc làm cho người mới đến định cư.
Thành ra, hội cũng phụ trách luôn việc tuyển dụng người cho công ty IBP.
Ông Nguyễn Bá Lộc, từng là phó giám đốc VNCOC phụ trách tuyển người lao động, nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi tuyển người, đa số là anh em và con em HO mới sang, đi làm hãng bò IBP ở Sioux City, Iowa, và một số nơi ở Kansas. Lúc đó, IBP có một người phụ trách tuyển mộ là người Việt, anh này liên lạc chặt chẽ với VNCOC và một số cơ quan phụ trách người tị nạn khác ở California.”
“Chúng tôi tuyển người qua các chương trình hướng dẫn của VNCOC và qua các bản tin trên báo,” ông Lộc kể tiếp. “Trong các buổi hướng dẫn, VNCOC hướng dẫn kỹ cho người có ý định xin việc về tính chất của việc làm, lương bổng, và đời sống bên đó. Công việc làm thịt bò không đòi hỏi chuyên môn, nhưng phải có sức khỏe.”
Bà Mai Công nói: “Sau khi phỏng vấn họ, nếu đậu, mình phải giải thích mọi thứ cặn kẽ, vì họ mới từ Việt Nam sang, còn nhiều bỡ ngỡ. Mình đâu muốn đồng hương thất bại.”
Ðó là phần của VNCOC. Còn phần của IBP, theo ông Lộc, họ cung cấp tiền xe buýt cho công nhân đi qua chỗ làm, khi tới nơi, có đại diện công ty ra đón, và ngày hôm sau đưa đi làm.
Vì biết đây là một nhu cầu cho cả hai phía, công ty IBP và người Việt mới sang Mỹ, VNCOC cố gắng làm việc quy củ để giữ được hợp đồng tuyển dụng.
Một con bò được chia làm chín phần khác nhau khi cắt thịt. (Hình: emporia.edu)
Bà Mai Công nói: “Chúng tôi cũng giúp IBP hiểu về nhu cầu của người Việt, vì họ cũng cần người, và họ thích lắm. Chúng tôi là người đứng giữa, kiếm việc cho đồng hương, IBP cung cấp một phần chi phí, phải báo cáo đàng hoàng. Ngoài ra, chúng tôi phải làm đúng, nếu không, người ta không tin mình, không hợp đồng với mình nữa. Mà như vậy thì VNCOC mất uy tín, mà đồng hương lại không có việc làm.”
“Trung bình, mỗi tháng chúng tôi tuyển được 30 người, chương trình tuyển dụng kéo dài từ năm 1994 đến năm 2000 thì chấm dứt, vì lúc đó không còn nhiều người Việt Nam sang định cư nữa, mặc dù nhu cầu nhân công của IBP rất lớn. Trong số người đi làm, cũng có một ít phụ nữ,” ông Nguyễn Bá Lộc cho biết thêm.
Chế biến thịt bò
Theo quy định của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, có chín bước làm thịt con bò. 1) Nhân viên Bộ Nông Nghiệp kiểm tra. 2) Giết bò (bằng điện, gas, hoặc đóng đinh). 3)Treo lên và đâm cho máu chảy ra. 4) Lột da. 5) Cắt đầu. 6) Xẻ dọc làm đôi. 7) Ðưa vào phòng lạnh để sát trùng 24 tiếng. 8) Cắt thành miếng nhỏ, phân loại. 9) Ðóng bao hoặc đóng hộp.
Cụ thể hơn, theo ông Kim Nguyễn, giám đốc kế hoạch công ty Nebraska Beef ở Omaha, Nebraka, sau khi một nửa con bò được đưa từ phòng lạnh ra, nó được các công nhân cắt thành miếng nhỏ qua bảy giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn 1: Ra thịt shoulder clod.
Giai đoạn 2: Ra thịt short plate, naval (nạm để nấu phở).
Giai đoạn 3: Ra thịt ribeye (làm steak) và short rib (làm sườn Ðại Hàn).
Giai đoạn 4: Ra thịt chuck roll (thứ nhất là làm steak, thứ nhì là làm roast round).
Giai đoạn 5: Ra thịt shank meat (dùng để nấu bún bò Huế và bò kho).
Giai đoạn 6: Ra thịt mỏng (flap, lifter, thường cung cấp cho nhà hàng).
Giai đoạn 7: Ra thịt vụn để làm hamburger, sausage, v.v… (thường cung cấp cho trường học và McDonald’s).
“Trong cả con bò, có tất cả chín phần, round (tương đương 27% thịt con bò), chuck (26%), rib (9.5%), sirloin (9%), brisket (6%), short plate (5.5%), fore shank (4%), và flank (4%),” ông Kim nói. “Ngon nhất trong chín phần này là sirloin, được chia làm bốn loại, ngon nhất gọi là prime, rồi đến choice, rồi đến select, và cuối cùng là no-roll.”
Ông nói thêm: “Prime là loại đắt nhất, thường người Nhật mua hết, người Mỹ khó chen chân vào được. Ðây là loại thịt có mỡ nhiều, nhìn giống như mặt đá marble, nhưng mỡ này rất mềm, ăn vào không bị cholesterol. Choice và select có mỡ ít hơn prime.”
“Prime, choice, và select là thịt của loại bò ăn bắp, nên mới có nhiều mỡ ngon như vậy, thường được nuôi ở Nebraska và một số ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ. Còn no-roll là thịt của loại bò ăn cỏ, thịt chắc, không có mỡ, và loại bò này thường được nuôi trên những cánh đồng ở Wyoming hoặc Texas,” ông Kim giải thích.
Cũng theo ông Kim, ngoài chín phần của con bò được chế biến và cung cấp cho thị trường, toàn bộ những phần còn lại của con bò vẫn bán được, tức là không có gì bỏ đi hết.
Ông nói: “Nước tiểu bò thì bán cho Ðài Loan, không biết họ mua để làm gì. Máu bò thì được sấy khô làm thức ăn cho gia súc, hoặc làm bột màu. Da bò thì đa số bán cho người Nga, một số bán cho người Mexico. Ðầu bò và đuôi bò bán cho các chợ, nhà hàng. Riêng xương bò thì làm thực phẩm cho chó. Hiện Nebraska Beef của chúng tôi có bốn xưởng làm xương cho chó, không đủ bán. Thậm chí, chúng tôi phải mua thêm xương của chỗ khác về làm.”
Về tương lai của ngành chế biến thịt bò, ông Kim lạc quan nói: “Ðây là kỹ nghệ luôn phát triển, lúc nào cũng cần người. Lương không cao, cũng không thấp, nhưng có bảo hiểm sức khỏe và các quyền lợi khác. Hơn nữa, nếu làm việc chăm chỉ, chịu học hỏi, lên tay nghề, thì lương cao, mà lại làm nhẹ nhàng hơn. Nói chung, đây là công việc rất thích hợp không chỉ với người mới đến Hoa Kỳ mà ngay cả những người ở lâu. Tại công ty Nebraska Beef có rất nhiều người Việt làm hơn cả chục năm.”
Chú thích: Vì sự nhạy cảm trong việc giết gia súc tại Hoa Kỳ, các hãng bò ngày nay gần như không cho giới truyền thông ghi lại các hình ảnh trong lúc chế biến thịt bò. Vì thế, phóng viên nhật báo Người Việt cũng bị tình trạng tương tự.
Ðỗ Dzũng/Người Việt
- Tin tức liên quan
-
Chăn nuôi gặp khó, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vẫn tăng Ngày 20/06/2017
-
Điều mất mùa, lượng điều thô nhập khẩu tăng cao Ngày 25/05/2017
-
Thịt bò siêu đắt của Nhật đi vòng qua Campuchia để vào Trung Quốc như thế nào? Ngày 11/04/2018
-
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Ai mất gì và tại sao? Ngày 07/04/2018
-
Nhật Bản sắp dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Anh trong hơn 20 năm Ngày 03/02/2018
-
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam sẽ cùng Bộ Nông nghiệp PTNT triển khai xây dựng mô hình thí điểm sản xuất Hồ tiêu an toàn, bền vững Ngày 02/06/2017
-
5 tháng năm 2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,3 tỷ USD Ngày 16/06/2017